Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đền thờ Pú Luông - Giả Cải
Lượt xem: 439

Đền thờ Pú Luông - Giả Cải (hay còn gọi là Báo Luông - Slao Cải) nằm trên địa phận xóm 1 Bế Triều, thị trấn Nước Hai. Ngôi đền thờ 2 nhân vật Pú Luông - Giả Cải được cho là thủy tổ của dân tộc Tày miền non nước Cao Bằng. Câu chuyện về Pú Luông như một huyền thoại nổi tiếng của văn hóa dân gian với những tình tiết sinh động, hấp dẫn, về sự hình thành cuộc sống người Tày cổ trên địa vực Cao Bằng. Đây cũng là huyền tích ra đời của nghề nông trên đất Cao Bằng.

anh tin bai

Đền thờ Pú Luông - Giả Cải nằm trên địa phận xóm 1 Bế Triều, thị trấn Nước Hai. 

Trong truyền thuyết Pú Lương Quân lưu truyền ở Cao Bằng có kể đến một đôi vợ chồng khổng lồ Báo Luông - Sao Cải là người cổ đã có công lao to lớn gây dựng nên non nước Cao Bằng.

Cao Bằng thủa đó chỉ là một miền đất hoang vu, rừng núi um tùm, cây cỏ rậm rạp, dây dợ chằng chịt, hàng nghìn loài thú thả sức tung hoành, hàng vạn loài chim đua nhau bay lượn. Khi loài người mới sinh ra trên trái đất, ở đất Cao Bằng lúc đó mới chỉ có hai người: Gái là Sao Cải thân to bằng cây lai, tay dài như cành trám; Trai là Báo Luông cao to như cây đa cổ thụ ngàn năm, tay dài như cành cây gạo đỏ. Khi rét họ lấy vỏ cây che thân, không quần áo, không nhà cửa. Tối đâu họ ngủ đấy, khi gốc cây, khi hang đá. Một hôm Sao Cải từ Nặm Quét ra vùng đất Pác Măn đuổi nai thì gặp Báo Luông đang săn cáo ở đó. Tình cờ trời đổ mưa, hai người ba chân bốn cẳng chạy về hướng đông, đến động Ngườm Bốc (còn gọi là Ngườm Ngả) thì vào trú mưa trong đó. Trong động núi ấm áp kín đáo, họ chọn làm chỗ ở và trở nên vợ chồng, từ đó họ sinh con đẻ cái. Ban đầu họ dạy­ con cái đi săn bắt muông thú hoặc  hái hoa quả trên cây, ốc dưới suối để ăn. Con cái ngày càng lớn, Sao Cải dạy chúng đi kiếm ăn hàng ngày, nhưng vẫn chỉ là cuộc sống săn bắt muông thú để ăn tươi. Một hôm mưa to bão lớn làm lở từng triền núi đá, gây ra động rừng. Có một tia sáng loé lên, cây móc bị chẻ đôi, lửa cháy không ngớt khiến mưa phải tạnh. Họ thấy trong cây móc bị cháy có con tắc kè chết cháy thơm lừng, họ chia nhau ăn mỗi người một miếng thấy ngon hơn là ăn sống như mọi khi. Họ đã từng đi qua những khu rừng nứa bạt ngàn gặp những ngày nắng to, thân nứa cọ vào nhau gây nên nạn cháy rừng, họ đi tìm kiếm thú rừng chết cháy để ăn. Từ đấy họ biết làm ra lửa và cuộc sống mới đã đến với họ. Họ biết làm nhà để sống với nhau, biết bắt những muôn thú về nuôi, biết trồng cấy những giống cây nông nghiệp, biết lấy vỏ cây phơi khô để che thân. Tất cả những cái đó đều là công gây dựng lớn lao của Sao Cải. Dần dần con cái đông đúc, họ phải chia đi các nơi lập thành nhiều dòng họ khác nhau như: Lê, Lý, Nông, Bế, Hoàng... Lúc này trên mặt đất không có ai khác, Báo Luông - Slao Cải cho phép các con tự lựa chọn lấy nhau mà thành gia thất riêng và sinh con, đẻ cái. Vì thế, họ thành ông, bà Pú Luông, Giả Cải. Con cháu sinh sôi đông đàn, vùng Bản Vạn trở nên chật hẹp, Giả Cải bàn với Pú Luông cho phép các con tùy chọn nơi lập nghiệp mới. Nông, Bế đi Nà Mò; Lê đi Chông Mu; Lý, Hà đi Tả Lạn; Trương, Hoàng ở Bản Vạn; Lương, Phạm đi Nà Đon; Dương, Đào đi Nà Toàn; Đoàn đi Tả Gọn..., khắp nơi đều là con cháu Pú Luông, Giả Cải.

Đất đai sông núi vùng non nước Cao Bằng đều ghi lại sự tích, nơi nuôi chó là Phja Ma, nơi chăn dê là Vò Bẻ, nơi thả bò là Lủng Mò, chỗ làm kho thóc là Khau Khấu, chỗ đánh bắt được nhiều cá là Nà Pja… Do được Sao Cải dạy dỗ nên con cháu đều biết đạo lý ăn ở, các con là chỗ nhờ cậy lúc tuổi già của Pú Luông (Báo Luông) và Giả Cải (Sao Cải).

Pú Luông sống hơn 100 tuổi thì qua đời, con cháu đặt tại gò Bằng Hà; Giả Cải sau khi chết được chôn cất chu đáo bên cạnh chồng, trong niềm tiếc thương vô hạn của mọi người.

anh tin bai

Các đồng chí lãnh đạo huyện dâng hương tại Đền Pú Luông - Giả Cải.

Để nhớ công ơn ông bà đã sinh ra loài người, dạy mọi người biết khai phá ruộng nương, lập nên mường bản người đời sau đã lập đền thờ ông bà ở ngòi Bản Sẩy, đoạn chảy qua Bản Vạn (gần Nước Hai). Đến nay ta vẫn gọi đó là đền thờ Pú Luông - Giả Cải, hay còn gọi là đền Pú Lương Quân hoặc đền Thần nông. Trải qua bao đời nay, truyền thuyết  Sao Cải cùng chồng gây dựng nên non nước Cao Bằng vẫn được lưu truyền mãi trong nhân dân từ đời này sang đời khác. Vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch, nhân dân trong vùng lại làm lễ dâng hương Đền thờ Pú Luông - Giả Cải.   

anh tin bai

Đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Pú Luông - Giả Cải cho huyện Hòa An.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa bản sắc, ngày 14/7/2023, Di tích Đền Pú Luông - Giả Cải được UBND tỉnh Cao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Và tại chương trình ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Hòa An năm 2024, đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Pú Luông - Giả Cải cho huyện Hòa An.