Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 691
  • Trong tuần: 7 629
  • Tổng lượt truy cập: 712584
Đăng nhập
Đền Vua Lê – Di tích chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử
Lượt xem: 77
Ngày 12/4/2018, tại Khóa họp lần thứ 204 ở Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã chính thức công nhận Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu. Đây là một vinh dự không chỉ đối với Cao Bằng mà của cả Việt Nam vì đây là lần thứ 2 nước ta nhận được danh hiệu này. Và huyện Hòa An rất tự hào vì có 05 điểm
anh tin bai

Đền Vua Lê, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An.

Đền Vua Lê thờ Vua Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi (1428 - 1433) thuộc thôn Cao Minh Thượng nay gọi là làng Na Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Đây là vùng đất "Địa linh nhân kiệt", được nhiều triều đại vua quan phong kiến chọn làm nơi đóng đô, xây dựng thành lũy, là trung tâm hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Đền Vua Lê nằm trong quần thể di tích thành Na Lữ. Thành Na Lữ do Cao Biền đắp bằng đất vào năm 864 đời Đường, niên hiệu Hàm Phong thứ 7, thuộc thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba. Năm 1039 thời hậu Lý - Lý Thái Tông niên hiệu Thông Thụy thứ 6, thành là thủ phủ của quốc gia (tự trị) Trường Sinh với người đứng đầu là Nùng Tôn Phúc. Năm 1527 Mạc Đăng Dung phế truất triều Lê lập nên vương triều Mạc. Xung đột Nam triều- Bắc triều ( Lê - Mạc) từ đó diễn ra nửa thế kỷ. Năm 1592, nhà Mạc lên Cao Bằng đóng đô ở thành Nà Lữ, trải được ba đời: Mạc Kính Cung (1594 -1625); Mạc Kinh Khoan (1625 - 1638) và Mạc Kính Vũ (1636- 1677). Nhà Mạc lên Cao Bằng ngoài việc đóng gạch xây thành, đắp lũy còn mở mang văn hóa qua việc tổ chức các kỳ thi, các nghi lễ cung đình, lập các đội quản nhạc …  trong đó có làn diệu hát then đàn tính được coi như là một loại nhã nhạc cung đình. Xây dựng bảo vệ  giữ yên bờ cõi, trấn hưng đất Cao Bằng, xây dựng Cao Bằng thành vùng phát triển về kinh tế - văn hóa. Triều đại phong kiến ở Cao Bằng kéo dài 85 năm có sự đóng góp trong dòng lịch sử của Việt Nam.

Thành Na Lữ hình tứ giác, gồm 4 đường thành và 4 cổng ở các phía đông bắc, tây bắc, đông nam, và tây nam. Cổng đông nam tương truyền được xây bằng gạch hình vòm có hoa văn trang trí đẹp, cánh cổng làm bằng gốc nghiến kiên cố, chân cổng được xây bằng đá tảng to và phẳng, hiện nay dấu tích móng cổng và đá tảng xây chân cổng vẫn còn rõ. Trong thành có bốn gò đất đắp nổi ứng với bốn linh vật Long, Ly, Quy, Phượng.

Tháng 8 năm 1677, Mạc Kính Vũ rút khỏi thành Nà Lữ. Năm 1682 quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Thì Hải đã tâu xin vua Lê cho sửa thành Na Lữ và đổi cung điện thành đền thờ vua Lê Thái Tổ. Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tại đền Vua Lê đã diễn ra một số sự kiện lịch sử quan trọng: Năm 1936 đồng chí Hoàng Đình Giong đã lập Đoàn thanh niên phản đế; Năm 1942 tổ chức họp hội nghị Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng; Tháng 9 năm 1945 là nơi tập trung quân đi Nam tiến. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền là nơi sơ tán của nhà máy giấy Cao Bằng.

Đền thờ được xây dựng theo hình chữ tam, gian chính điện thờ Vua Lê Thái Tổ và một số vị trung thần khác. Gian tả vu và hữu vu thờ các vị thánh thần trong tín ngưỡng dân gian. Cửa đền mở theo hướng Đông Nam thông ra sông Mãng. Xung quanh đền xây tường thành dài 600m, trước mặt đền có hai sân rộng khoảng hơn 1.000m2. Trước đây, trong đền có nhiều hiện vật như chiêng, trống, kiếm, áo bào, bia. Hiện nay còn 2 lư hương bằng gang, 1 bia bằng đá, 3 cây đèn thắp.

Trước đây vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, Hội Đền Vua Lê được các bậc cao niên tổ chức dâng lễ cảm tạ, tri ân công đức các bậc tiền nhân và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Năm 1995 được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, lễ hội Đền Vua Lê được khôi phục và tổ chức theo truyền thống hàng năm, lễ hội đã thu hút rất nhiều bà con nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến trẩy hội cầu an.

Từ năm 2019, lễ hội Đền Vua Lê được nâng cấp thành lễ hội cấp huyện với nhiều nghi thức trọng thể, đậm đà bản sắc văn hóa dân gian địa phương như nghi thức rước ảnh Vua Lê, múa lân, tổ chức gian hàng trưng bày ẩm thực, các sản phẩm thủ công truyền thống và trang phục các dân tộc của 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện,... Việc nâng cấp Lễ hội Đền Vua Lê thành lễ hội cấp huyện góp phần quảng bá hình ảnh của con người, miền đất Hòa An với các bạn gần xa. Đặc biệt, nằm trong quần thể "Công viên địa chất non nước Cao Bằng", Đền Vua Lê có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc thu hút khách du lịch đến khám phá, tìm hiểu, qua đó phát huy được những giá trị của di tích góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện