Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hòa An: Nô nức trẩy hội đền Vua Lê
Lượt xem: 131
Đã thành thông lệ, vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân địa phương và đông đảo du khách thập phương lại rộn ràng, nô nức về trẩy hội Đền Vua Lê ở xóm Na Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An – lễ hội mở đầu cho mùa lễ hội đền chùa tỉnh Cao Bằng.

Nghi thức múa lân, rước kiểu ảnh Vua lê được tổ chức trang trọng.

Đúng 8 giờ sáng là nghi thức múa lân, rước kiệu ảnh Vua Lê từ cổng thành Na Lữ đến Đền Vua Lê được tổ chức trang trọng, thành kính. Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành, đoàn thể tỉnh, các đồng chí lãnh đạo huyện Hòa An, Ban Tổ chức lễ hội tổ chức lễ dâng hương, đọc chúc văn báo công, ôn lại những dấu ấn lịch sử hào hùng của Đền Vua Lê, đánh trống khai mạc và chương trình văn nghệ lễ hội với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.

Tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc.

Ngay sau nghi lễ dâng hương báo công và khai mạc của UBND huyện Hòa An, trên các ngả đường, những dòng người nườm nượp, những cụ ông, cụ bà, chàng trai, cô gái và cả trẻ nhỏ vận trang phục đẹp nhất đến tham gia lễ hội. Nhân dân và du khách thập phương đến thắp hương, vui hội với ý niệm cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu, nhà nhà khoẻ mạnh, cũng là dịp tỏ bày đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Đền Vua Lê là nơi thờ cúng các vị tướng sĩ anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm phương Bắc, là nơi lưu giữ nền văn hóa lâu đời của các dân tộc trong vùng, là nơi các cụ bô lão có chức sắc bàn việc trọng đại mỗi khi tết đến xuân về. Từ khi Đảng cộng sản ra đời, Đền Vua Lê còn là nơi hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng như: đồng chí Hoàng Đức Lã, Hoàng Sâm, Hoàng Tô, Dương Mạc Thạch, Lê Thùy,... Năm 1945, đền Vua Lê là nơi tập trung, xuất phát và tiễn đưa đoàn quân Nam tiến do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đền Vua Lê là nơi sơ tán của các cơ quan của tỉnh như trường chính trị Hoàng Đình Giong, nhà máy Giấy,… Với bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử, ngày 20/4/1995, Đền Vua Lê được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2018, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng và huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã gặp mặt và kết nối hai điểm di tích lịch sử văn hóa tâm linh là Đền Lam Kinh, nơi phát tích triều đại Nhà Lê với Đền Vua Lê xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Từ đó, Đền Vua Lê xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã hội tụ đủ linh khí trời đất, hội tụ tinh hoa của các bậc tiền nhân để ngôi Đền linh thiêng hơn, xứng đáng là địa danh lịch sử văn hóa “Di tích cấp Quốc gia”. Năm 2018 tỉnh Cao Bằng được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng trong đó Đền Vua Lê là một trong 5 điểm di sản của huyện Hòa An được công nhận và nằm trong tuyến du lịch “Hành trình về nguồn cội” của tỉnh Cao Bằng. Từ năm 2019, lễ hội Đền Vua Lê được nâng cấp thành lễ hội cấp huyện nên mọi nghi thức, hoạt động được tổ chức quy mô, bài bản hơn, trang nghiêm, tiết kiệm. Việc quảng bá lễ hội được thực hiện rộng rãi, thu hút đông đảo du khách thập phương đến trẩy hội. Đồng chí Đàm Thế Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Đền Vua Lê năm 2023 cho biết: Lễ hội Đền Vua Lê năm 2023 được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như phối hợp với Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội) tổ chức chương trình văn nghệ tối mồng 5; tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng; các trò chơi dân gian truyền thống, qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá hìnhf ảnh huyện Hòa An, thu hút đông đảo thu khách gần xa đến trẩy hội. Để góp phần tạo nên nét đẹp, an toàn cho lễ hội, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại lễ hội được đảm bảo. Ban Tổ chức lễ hội tổ chức các điểm chốt tại những khu vực đông người, huy động các lực lượng công an, dân quân tự vệ vệ túc trực, kiểm tra, bảo đảm an toàn cho khách du xuân trẩy hội.

Đông đảo du khách thập phương đến trẩy hội.

Đặc biệt, lễ hội được tổ chức sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng người đổ về lễ hội rất đông nhưng không xảy ra tình trạng tắc đường, không có hiện tượng "chặt chém", "hét giá" tại các điểm trông giữ xe cũng như tại các hàng quán. Người dân đến vui hội mang theo ước muốn một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, an khang. Hoà trong dòng người đi trảy hội, bà Trần Thanh Bình đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ: Lần đầu tiên đến với Cao Bằng, được biết đến Đền Vua Lê rất nổi tiếng, rất thiêng nên hôm nay cùng người thân đến thắp thắp hương, hái lộc đầu xuân, cầu may mắn bình an cho mọi người trong gia đình.

Các đại biểu tham quan các gian hàng.

Tham gia lễ hội, du khách thập phương còn được tham quan mua sắm tại các gian hàng trưng bày nông sản, các sản phẩm thủ công truyền thống của 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hòa An; thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương như: bánh cuốn, phở vịt, thịt lợn quay…; tham gia các trò chơi dân gian được tổ chức vào buổi chiều như: cờ người, cờ tướng, đẩy gậy, kéo co,… Đặc biệt năm nay, huyện Hòa An còn khôi phục và tổ chức đua bè mảng trên sông… tạo thêm không khí náo nức, rộn ràng cho ngày hội.

Đông đảo du khách thích thú với phần đua bè mảng.

Với các nghi lễ được tổ chức trang trọng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, lễ hội Đền Vua Lê năm 2023 đã thực sự thu hút đông đảo du khách với mong muốn cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa, trừ tà, mong muốn cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Phạm Hà – Dương Lan