Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Điều kiện kinh tế xã hội

ĐIỀU KIỆN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI

 

1. Điều kiện kinh tế - xã hội

Hòa An là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông (đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ số 4, 3A, 3B và các tuyến Tỉnh lộ, đường liên huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa) tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế với các huyện có cửa khẩu trong tỉnh cũng như các tỉnh có nền kinh tế phát triển tạo thành những tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Về phát triển nông nghiệp, Hòa An được coi là vựa lúa của tỉnh. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là 9.234,08ha. Cánh đồng trung tâm huyện trải dài trên 20 km. Dọc theo sông Bằng, sông Dẻ Rào và các nhánh sông, suối là những cánh đồng bằng phẳng. Nhiều cánh đồng được phù sa từ các thượng nguồn đổ về bồi đắp đất đai màu mỡ, quanh năm gieo trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu như cánh đồng thị trấn Nước Hai và các xã Đức Long, Nam Tuấn, Hoàng Tung, Dân Chủ, đây là những cánh đồng phù hợp cho phát triển cây lúa và rau màu. Những năm gần đây, huyện Hòa An tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả: trồng trọt chiếm tỷ trọng 62%, chăn nuôi 28%, dịch vụ nông nghiệp 2,0%, lâm nghiệp 7,6%, thủy sản 0,4%.Tổng sản lượng lương thực trung bình 30.000 tấn/năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra.Việc duy trì diện tích các cây trồng hàng hoá mũi nhọn tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, năng suất, sản lượng tăng qua các năm.Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt 64,6 triệu đồng/ha (năm 2020). Cây thuốc lá nguyên liệu đang được quan tâm đầu tư theo hướng tăng diện tích và chất lượng cao. Hằng năm, diện tích trồng đạt trên 1.500 ha; bình quân năng suất đạt 25,2 tạ/ha, sản lượng đạt trên 3.900tấn; giá trị ước đạt 121,2 triệu/ha; trong đó có trên 30% diện tích thuốc lá chất lượng cao… được các doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Cây lúa vẫn chiếm ưu thế về diện tích trong cơ cấu nông nghiệp, trong đó các giống lúa chất lượng cao như giống Japonica và một số giống khác được triển khai sản xuất theo hướng hàng hóa. Năm 2020, huyện Hòa An đã sản xuất được 260 ha giống lúa Japonica để bán ra thị trường. Đối với rau màu, diện tích trung bình hàng năm đạt trên 550 ha rau các loại, sản lượng bình quân đạt 4.500 tấn/năm, trong đó có 15 ha sản xuất rau chuyên canh.Năm 2020, thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ, ớt thương phẩm tại xã Hồng Việt; liên kết sản xuất 10 ha gừng hữu cơ tại các xã: Dân Chủ, Quang Trung, Trương Lương và Đại Tiến; trồng 70 ha khoai tây tại xã Hồng Việt, Hoàng Tung và thị trấn Nước Hai. Diện tích trồng cây ăn quả các loại gần 300ha, trong đó cây cam Trưng Vương và quýt Hà Trì, là những cây trồng đặc hữu của huyện xưa nay nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc trưng đã được quan tâm bảo tồn, phục tráng và phát triển mở rộng diện tích, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Năm 2021, triển khai thực hiện mô hình và sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (mô hình rau VietGap với diện tích 3,88 ha; ớt thương phẩm 3,1ha tại thị trấn Nước Hai và Đức Long); triển khai chuỗi kiên kết (trồng quế, kiệu, nghệ); thạch đen tại Lê Chung; mô hình trồng mới cây na, áp dụng kỹ thuật mới vào diện tích na đã có tại xã Nam Tuấn, Hồng Việt và Hoàng Tung (trồng mới 1,1 ha, tổng số cây trồng mới là 1.100 cây, tỷ lệ sống đạt trên 90% và đang sinh trưởng phát triển tốt).

Bên cạnh việc phát triển các cây trồng thế mạnh của địa phương, huyện Hòa An còn quan tâm bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề làm miến dong tại xã Nguyễn Huệ. Sản phẩm miến dong Nguyễn Huệ được sản xuất từ củ dong riềng nguyên chất nên có vị thơm, ngon và dai đặc trưng, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nguồn tiêu thụ lớn. Miến dong của Nguyễn Huệ không chỉ bán trong tỉnh mà còn bán ở các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Hà Nội,…

Nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi được hình thành và phát triển, tổng đàn gia súc đạt gần 63.000 con; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 139,72 tỷ đồng. Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại các xã Đức Long, Dân Chủ,… tạo được hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn có một số doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi như: Công ty cổ phần chăn nuôi Ánh Dương, với quy mô 600 con lợn nái sinh sản và 2.000 con lợn thương phẩm; Công ty TNHH Thái Dương, với quy mô 700 con lợn nái sinh sản và 10.000 con lợn thương phẩm; HTX Xuân Nguyên với quy mô trên 3.600 con lợn thương phẩm…

Huyện Hòa An đặc biệt quan tâm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khuyến khích các địa phương lựa chọn các sản phẩm truyền thống, dịch vụ lợi thế đạt những yêu cầu các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác rõ ràng, an toàn cho người sử dụng và được tin dùng. Từ đó, có thể mở rộng thị trường tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế, nâng tầm sản phẩm, đem lại giá trị thương hiệu và kinh tế cho người tham gia Chương trình OCOP, góp phần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2020, huyện Hòa An có 03 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bao gồm sản phẩm Miến dong Án Lại, Lúa chất lượng cao và rượu gạo Nhật Cao Bằng. Kết quả, sản phẩm Rượu gạo Nhật Cao Bằng đủ điều kiện để xếp hạng 3 sao. Năm 2021, huyện Hòa An đang trình hồ sơ 04 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOPbao gồm sản phẩm Bún khô cô Luyến- Nà Rị (bún trắng, bún cẩm), cơm cháy Huy Hoàng, sản phẩm gạo Nhật Cao Bằng.

Với lợi thế nguồn nước tự nhiên của nhiều sông suối chảy qua và một số hồ nhân tạo lớn nên những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã phát triển hàng trăm mô hình nuôi cá lồng với chất lượng thơm ngon, góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cùng với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện có một số dự án lớn đang được triển khai thực hiện: Dự án khai thác khoáng sản Niken - Đồng; Dự án thủy điện Bạch Đằng, Hồng Nam, Bình Long.Từ năm 2015 đến nay có 675 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động mới với nhiều ngành nghề khác nhau.Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn luôn được tạo điều kiện thuận lợi về công tác giải phóng mặt bằng; bảo đảm về an ninh trật tự; hỗ trợ, tư vấn về pháp luật,lao động,... Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với 82,7% dân số tham gia lực lượng lao động và hơn 31% lao động đã qua đào tạo, là nguồn nhân lực dồi dào đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

2.Truyền thống văn hóa, lịch sử

Hoà An là nơi sớm có truyền thống yêu nước, là quê hương cách mạng. Ngày 01/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung.Đây là một mốc son, một sự kiện lịch sử đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng. Từ đây nhân dân Hoà An dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết thành một khối vững chắc đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.

Phong trào cách mạng của huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển nhanh, mạnh mẽ, vững chắc, trở thành trung tâm của cách mạng; luôn được sự chỉ đạo cụ thể của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, trực tiếp là đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Oanh… và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Vùng căn cứ Lam Sơn (Hồng Việt) trở thành “Đại bản doanh” của cách mạng, của tỉnh, liên tỉnh. Những năm 1930-1945, nhiều đồng chí là cán bộ, đảng viên người Hoà An đã được Đảng phân công đi giúp đỡ phát triển cách mạng ở nhiều huyện trong tỉnh và nhiều tỉnh khác như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang…

Là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống như Di tích lịch sử Nặm Lìn thuộc xóm Hào Lịch(thôn Hào Lịch trước đây), xã Hoàng Tung, huyện Hoà An (là nơi làm lễ Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng và huyện Hòa An ngày 1/4/1930); Hang Tốc Rù ở xã Hồng Việt, là địa điểm in báo Cờ Đỏ, cơ quan tuyên truyền Đảng bộ Cao Bằng; Hang Ngườm Slưa thuộc xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, là nơi hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Đình Giong, Lê Mới; Hang Bó Hoài ở xã Hồng Việt, là nơi in báo Việt Nam độc lập, đồng thời là cơ quan của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và là nơi đồng chí Vũ Anh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ta lúc bấy giờ; Vách núi Lũng Sa thuộc xã Hồng Việt, là nơi diễn ra Hội nghị Cao - Bắc - Lạng ngày 13/8/1944, bàn về chủ trương phát động khởi nghĩa vũ trang tại liên tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn; Hang Ngườm Hoài ở xã Nam Tuấn, là nơi thành lập Mặt trận Việt Minh xã tháng 7/1942, tháng 8/1942 tại đây đã diễn ra cuộc triển lãm tranh ảnh với mục đích tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng; Xưởng quân giới Lê Tổ ở Ngườm Bốc - Lam Sơn, xã Hồng Việt, là nơi sản xuất vũ khí của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng thành lập tháng 3/1949; Lũng Dẻ, xã Trương Lương là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng (từ tháng 6 - 8/1942 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến ở và làm việc chỉ đạo in Báo Việt Nam Độc lập; nơi thành lập Khu Việt Minh Thiện Thuật, thành lập Đại đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân) ...

Là địa phương có truyền thống lịch sử lâu đời. Trải qua một quá trình hợp lưu lâu dài, hiện nay huyện Hòa An có nhiều dân tộc cùng sinh sống; dân tộc Tày sống ở đây lâu đời nhất và có dân số nhiều nhất, có trình độ, tổ chức xã hội khá cao và sống tập trung ở vùng đồng; dân tộc Nùng đông thứ hai sống tương đối tập trung ở các xã phía đông huyện; dân tộc Mông, Dao sống rải rác ở các xã vùng cao; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa sống chủ yếu ở phố Nước Hai. Thành phần cư dân có nhiều nguồn gốc khác nhau trong đó có một số đồng bào Kinh ở vùng xuôi lên sinh sống lâu đời và đại bộ phận đã trở thành người dân tộc địa phương. Với thành phần dân cư như thế, Hòa An là nơi hợp lưu các dòng văn hóa của các dân tộc đưa lại. Năm 2021, dân số trung bình của huyện là 53.665 người, trong đó dân số khu vực thành thị có 12.717 người, chiếm 23,7% so với dân số của huyện, dân số khu vực nông thôn có 40.948 người, chiếm 76,3% so với dân số của huyện. Dân số nam 27.195 người chiếm 50,68%, dân số nữ 26.470 người chiếm 49,32%. Dân số huyện gồm 05 dân tộc chính là Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm đa số.

 Các dân tộc ở Hòa An có truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn thờ các danh nhân có công với dân. Đền thờ Pú Lương Quân thờ cha Báo Luông, mẹ Slao Cải tương truyền đã sinh ra con cháu người Tày ngày nay được lập ở bờ sông Tả Sẩy, thị trấn Nước Hai. Thành Bản Phủ của Thục Phán - An Dương Vương, chùa Đống Lân, chùa Đà Quận (xã Hưng Đạo - nay thuộc thành phố Cao Bằng), đền Kỳ Sầm (xã Vĩnh Quang - nay thuộc thành phố Cao Bằng), đền Vua Lê (xã Hoàng Tung). Các dân tộc đã sớm có ý thức thống nhất dân tộc nên sự khác biệt không lớn lắm, tuy nhiên mỗi dân tộc vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.Ngôn ngữ phổ biến ở huyện là tiếng Tày.

Là huyện có số lượng di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng nhiều nhất trong toàn tỉnh với 64 di tích. Trong đó 11 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh nằm trên địa bàn của 06 xã: Hoàng Tung, Hồng Việt, Nam Tuấn, Trương Lương, Bạch Đằng, Dân Chủ. Cùng với đó, là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang được bảo tồn như hát then đàn tính, hát quan lang tại xã Nam Tuấn; lễ hội đền Vua Lê, lễ hội Đền Dẻ Đoóng,… Đặc biệt, tháng 4/2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO NON NƯỚC Cao Bằng, trong đó huyện Hòa An có 05 điểm tham quan gồm Đền Dẻ Đoóng, Hang Ngườm Bốc ( xã Hồng Việt), Đền Vua Lê, Hang Ngườm Slưa, Vườn đá ( xã Hoàng Tung) thuộc tuyến du lịch cụm phía Bắc “ Hành trình về nguồn cội”. Bên cạnh đó, những năm gần đây, trên địa bàn huyện còn xuất hiện một số điểm du lịch sinh thái tự phát nguyên vẻ hoang sơ mang nét đặc trưng của du lịch trải nghiệm như thác Tiên ( xã Đại Tiến), Nặm Thoong ( xã Đức Long), hồ Nà Tấu ( thị trấn Nước Hai) … đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm nhất là vào dịp hè, ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ. Đây là những lợi thế để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Tiềm năng và định hướng phát triển

Với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Hòa An xác định cơ cấu kinh tế gồm nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp - xây dựng với 02 chương trình trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp thông minh và xây dựng đô thị thị trấn Nước Hai theo tiêu chí đô thị loại IV giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2040. Vì vậy, huyện Hòa An đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đổi mới tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, tạo vùng sản xuất hàng hóa và tổ chức lại nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp; tiếp tục thành lập các tổ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng, có điều kiện sản xuất tập trung; phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ ở vùng cao, vùng khó khăn. Tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, liên kết “Bốn nhà” ở các vùng sản xuất hàng hóa; ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp điều kiện sản xuất an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định như sản xuất thuốc lá, lúa chất lượng cao, rau màu, cây ăn quả đặc hữu của địa phương…nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất. Ưu tiên khuyến khích tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao (Japonica); duy trì ổn định diện tích thuốc lá hằng năm trên 1.600 ha, trong đó có 50% diện tích thuốc lá chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng cây cam Trưng Vương lên 40 ha, quýt Hà trì lên 40 ha; khảo sát, mở rộng diện tích trồng cây na; mở rộng diện tích trồng cây gừng, nghệ lên 195 ha sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc theo quy trình hữu cơ; trồng đạt 40 ha rau màu ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc theo quy trình hữu cơ.

Tiếp tục thực hiện chương trình nông thôn mới của huyện và xã đến năm 2025; trên cơ sở đó xác định rõ lộ trình, giải pháp, nguồn vốn thực hiện hằng năm. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, tính bền vững đối với các tiêu chí đã đạt được ở các xã và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí còn lại theo lộ trình. Phấn đấu đến hết năm 2025, có trên 55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo các yếu tố về môi trường. Phát triển làng nghề và xây dựng thương hiệu sản phẩm miến dong Nguyễn Huệ.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ và khai thác hiệu quả các điểm di tích trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng cũng như các di tích lịch sử - văn hóa khác trên địa bàn huyện, kết nối với các địa điểm du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống,… Đây chính là chìa khóa để du lịch huyện nhà phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Nước Hai, làm cơ sở cho việc xây dựng Chương trình phát triển đô thị Thị trấn Nước Hai trở thành đô thị loại IV, phát huy vai trò, chức năng là đô thị trung tâm và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, liên huyện và của tỉnh năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040…